Monday, October 16, 2023

Carl Jung viết về khái niệm phóng chiếu



Phóng chiếu, hay ngoại chiếu (Projection). Một tiến trình tự động qua đó những nội dung của vô thức của bản thân lại được nhận ra ở người khác.
 
Cũng giống như việc ta có xu hướng giả định rằng thế giới giống như những gì ta thấy, ta thường ngây thơ cho rằng người khác cũng không khác gì những ta mường tượng về họ… Tất cả những nội dung vô thức của ta vẫn luôn được phóng chiếu vào môi trường xung quanh, và chỉ khi nào ta nhận ra một số thuộc tính của khách thể là kết quả của sự phóng chiếu hay ảnh tượng [imagos | hình ảnh tưởng tượng], thì ta có thể phân biệt được chúng với những thuộc tính thực sự của khách thể... Với tâm lý bán tín bán nghi, ta sẽ luôn thấy những lỗi lầm mà mình không muốn thừa nhận ở nơi người khác. Những ví dụ minh họa tuyệt vời nhất cho luận điểm này có thể dễ dàng tìm thấy trong những cuộc cãi lộn. Trừ khi ta có khả năng tự ý thức cao độ, ta sẽ không bao giờ nhìn thấu được [lớp màn] phóng chiếu, mà ta sẽ thường xuyên rơi vào cái bẫy của nó, bởi trong tình trạng tự nhiên của tâm trí, nó mặc định sự tồn tại của cơ chế phóng chiếu. Nói cách khác, những nội dung vô thức được phóng chiếu là lẽ tự nhiên và tất nhiên. ["General Aspects of Dream Psychology," ibid., par. 507.]"

Chữ “phóng chiếu” ở đây hàm ý một nội dung chủ quan được đưa sang (expulsion|trừu xuất, kéo ra) một khách thể (object | đối tượng bên ngoài); nó trái ngược với cơ chế nội chiếu (introjection | nội phóng). Vì vậy, nó là một tiến trình dị hóa (dissimilation), qua đó một nội dung chủ quan trở nên xa lạ với chủ thể và được hiện thân ở nơi khách thể. Chủ thể loại bỏ những nội dung không thích hợp, đau thương bằng cách phóng chiếu chúng [sang người khác]. [Definitions," CW 6, par. 783.]

Phóng chiếu không phải là một tiến trình có ý thức. Người ta tình cờ gặp gỡ, hội ngộ với phóng chiếu, chứ không tạo ra chúng.

Lý do về mặt tâm lý nói chung của sự phóng chiếu luôn là một nội dung vô thức được kích hoạt tìm cách bộc lộ ra bên ngoài.

Người ta cũng có thể phóng chiếu những nét tính cách nhất định lên người khác trong khi người này thực ra lại không hề sở hữu những nét tính cách đó. Nhưng rất có thể người bị phóng chiếu lại vô tình khuyến khích cơ chế này.

Một tình huống hay xảy ra là khách thể cũng thường có những điểm tương đồng với nội dung được phóng chiếu vào mình, và thậm chí họ còn có xu hướng khêu gợi cơ chế này. Nói chung điều này đặc biệt đúng khi chính bản thân khách thể (anh/cô ta) không ý thức được phẩm chất đang bị phóng chiếu vào mình: do đó nó tác động trực tiếp vào vô thức của người bị phóng chiếu. Bởi mọi sự phóng chiếu đều khiêu khích sự phóng chiếu ngược lại khi khách thể hoàn toàn không ý thức gì về phẩm chất được chủ thể phóng chiếu lên mình. 

Thông qua cơ chế phóng chiếu, người ta tạo ra một loạt những mối quan hệ tưởng tượng mà thường là ít liên quan hoặc không liên quan gì đế thế giới thực.

Hệ quả của tiến trình phóng chiếu là chủ thể bị cô lập khỏi môi trường xung quanh họ, bởi thay vì có một mối quan hệ chân thực với nó, giờ đây người ta chỉ có một mối quan hệ hư ảo, hão huyền với nó. 

Phóng chiếu “phù phép” thế giới xung quanh thành một bản sao của khuôn mặt/khía cạnh khác của ta, mà ta lại chưa từng biết tới. Do đó, khi phân tích đến cùng, chúng sẽ dẫn tới tình trạng thủ dâm "tư tưởng" (autoerotic) hay chìm đắm (autism | tự kỷ) trong thế giới của riêng mình. Khi đó ta luôn mơ mộng viển vông về một thế giới mà ta sẽ mãi mãi không bao giờ có thể chạm tới được.

Phóng chiếu cũng có những hệ quá tích cực. Trong đời sống hằng ngày, nó hỗ trợ cho những mối quan hệ giữa người với người. Hơn nữa, khi ta cho rằng phẩm chất hay tính cách nào đó hiện diện ở nơi người khác, rồi sau đó, lại nhận ra không phải như vậy, thì ta có thể hiểu hơn về chính mình. Điều này dẫn tới sự thu hồi hay sự giải trừ phóng chiếu.

Chừng nào năng lượng tâm lý (libido) còn có thể sử dụng cơ chế phóng chiếu này như là những cây cầu thuận tiện và thích hợp để đi tới thế giới bên ngoài, chúng sẽ xoa dịu cuộc sống theo cách tích cực. Nhưng ngay khi năng lượng tâm lý muốn chuyển sang một đường hướng khác, và vì mục đích này nó bắt đầu chạy ngược lại cây cầu phóng chiếu trước kia, chúng sẽ đóng vai trò như những trở ngại lớn lao nhất mà ta có thể tưởng tượng được, bởi chúng ngăn chặn cực kỳ hiệu quả bất cứ sự tách rời thực sự nào khỏi khách thể trước đó [được phóng chiếu vào].

Nói chung thì, dấu hiệu của nhu cầu thu hồi tiến trình phóng chiếu là khi trong những mối quan hệ, những mong đợi gây cho người ta cảm giác bực bội, cùng với những xúc cảm mạnh mẽ. Nhưng Jung tin rằng chỉ đến khi nào sự bất đồng rõ rệt giữa những gì chúng ta tưởng là thực và chính bản thân thực tại, được phơi bày ra trước mặt, còn không thì người ta sẽ không có nhu cầu để ý tới cơ chế phóng chiếu, cũng chẳng thèm đoái hoài gì đến việc thu hồi chúng về.
 
Người ta chỉ để ý tới cơ chế phóng chiêu khi họ nảy sinh nhu cầu đồng hoá căn tính với khách thể. Nhu cầu này nảy sinh khi căn tính trở thành một yếu tố gây khó chịu. Tức là sự vắng mặt của nội dung được phóng chiếu cản trở sự thích ứng và người ta mong muốn thu hồi lại những gì vốn thuộc về mình.
 
Jung phân biệt giữa phóng chiếu chủ động và phóng chiếu thụ động. Phóng chiếu thụ động thì hoàn toàn tự động và không chủ ý, giống như khi người ta yêu nhau vậy. Ta càng biết về người kia ít bao nhiêu, thì ta càng dễ dàng phóng chiếu thụ động những phương diện vô thức của mình vào họ.
 
Phóng chiếu chủ động còn được người ta biết tới dưới tên gọi “đồng cảm" (empathy) - ta đặt mình vào vị trí của người khác. Đồng cảm có thể mở rộng đến mức ta rời bỏ vai trò khách thể của mình, để đồng hoá với người khác.

Thông thường thì cái bóng âm của một cá nhân hay được phóng chiếu vào người có cùng giới tính với họ. Trên phương diện cộng đồng, nó là thủ phạm gây ra chiến tranh, thói tìm nạn nhân để đổ tội (scapegoating), xung đột giữa các đảng phái chính trị. Trong ngữ cảnh của mối quan hệ trị liệu, phóng chiếu được gọi là chuyển dịch (transference) hay chuyển dịch ngược (countertransference), phụ thuộc vào việc người được phân tâm hay nhà phân tâm đang phóng chiếu.

Đối với mặc cảm dị giới như ẩn nữ (anima) hay ẩn nam (animus), cơ chế phóng chiếu vừa là nguyên do thông thường của oán thù, vừa là nguyên do đơn nhất của sức sống.
 
Khi ẩn nam và ẩn nữ gặp gỡ nhau, ẩn nam thu lại thanh gươm đầy sức mạnh và ẩn nữ tung ra lọ thuốc độc gây ảo tưởng và quyến rũ. Không phải lúc nào kết quả cũng là tiêu cực, bởi cả hai người đều đang yêu đương say đắm như nhau.
 
Nguồn: David Sharp, Jung Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Tuesday, June 27, 2017

Quá trình trị liệu tâm lý diễn ra như thế nào?





Nhiều độc giả có thể đang trong quá trình trị liệu tâm lý hoặc có thể quen biết người nào đó đã hoặc đang tìm đến tâm lý trị liệu.

Mặc dù có nhiều phương pháp khác nhau mà các nhà trị liệu có thể áp dụng đối với bạn, nhưng chúng đều có cùng một số điểm chung. Và hầu hết các nhà trị liệu đều chữa lành cho thân chủ theo cùng một cách.

Trước tiên, đa phần các phương pháp tâm lý trị liệu đều giúp thân chủ thấu hiểu bản thân (insight) họ rõ hơn.

Nhà trị liệu dẫn dắt thân chủ quan sát những gì đang diễn ra trong nội tâm họ, cũng như những thói quen trong tư duy và hành động của chính họ. Tác dụng của kỹ thuật này là, từ việc nhìn thấu và hiểu rõ tâm tư bản thân mà thân chủ dần thoát khỏi sự ràng buộc của cảm xúc, thói quen/khuynh hướng tư duy, nhờ đó có thể điều khiển tâm trạng tốt hơn.

Phương pháp này đem đến sự thông cảm và thấu hiểu, giúp cho thân chủ cảm thấy bớt bị kiểm soát bởi những cảm nhận và lề lối suy nghĩ , thay vào đó thân chủ có thể làm chủ bản thân họ tốt hơn.

Xác định và gọi tên được vấn đề đang tồn tại có thể giúp ta phần nào kiểm soát được nó. Một vài phương pháp hướng đến thấu hiểu bản thân bao gồm tìm hiểu quá khứ, trong khi những phương pháp khác, đặc biệt là những phương pháp bị ảnh hưởng bởi thực hành chánh niệm, hoặc những phương pháp đề ra cái được gọi là sự định hướng nhận thức – hành vi thì lại tập trung vào sự hiểu biết thực tại đang xảy ra trong tâm trí (bây giờ và ở đây) và cả những điều thân chủ cảm nhận được trong căn phòng cùng nhà trị liệu.

Phương pháp thứ hai mà các nhà tâm lý trị liệu thường áp dụng là tạo ra những trải nghiệm mới cho thân chủ hay khuyến khích họ tự tạo ra chúng cho chình mình.

Điều tôi muốn nói ở đây chính là dù nhà trị liệu có chủ đích thực hiện kỹ thuật này hay không, thì một quá trình trị liệu tốt sẽ khiến cho kỹ thuật đó đủ an toàn để thân chủ có thể thử nghiệm và trải nghiệm sự liên hệ giữa anh ấy hay cô ấy với thế giới này theo một cách mới mẻ và lành mạnh hơn.

Thông thường, sự liên hệ đầu tiên diễn ra là trong mối quan hệ của thân chủ với nhà trị liệu tâm lý.

Theo thời gian, nhà trị liệu sẽ vừa hỗ trợ thân chủ thử nghiệm với những cách ứng xử mới trong toàn bộ các mối quan hệ của họ, vừa đưa ra sự giúp đỡ và bằng chứng để chứng minh rằng những cách tiếp cận lành mạnh hơn đối với cuộc sống là hoàn toàn có thể.

Niềm hy vọng rằng sự đồng hành sẽ thay đổi thành công hành vi ứng xử là rất quan trọng đối với nhiều thân chủ - những người tìm đến trị liệu với tinh thần bi quan và không thể nói được ra, rằng tất cả mọi việc xảy ra trên đời là cần phải thế, và chúng bắt buộc phải thế.

Những trải nghiệm tốt đẹp hơn sẽ là một cách phản đối mạnh mẽ đối với .quan điểm sống bi quan này.

Lấy ví dụ, một bệnh nhân nữ của tôi rất sợ đề nghị ông chủ của cô tăng lương, mặc dù là cô ấy xứng đáng được như vậy.

Tôi đã giúp cô thấu hiểu thứ niềm tin mà cô bí mật che giấu - và, do những trải nghiệm trong quá khứ đã khiến cô luôn luôn che giấu - rằng cô không cần thể hiện bản thân/”tỏa sáng" ở nơi công sở, tham vọng là xấu, và cô không nên tiến cử bản thân cũng như năng lực của mình. Trở nên nhận thức rõ ràng thứ niềm tin sai lầm cùng những hình thái biểu hiện của chúng khiến cô ấy như bừng tỉnh và hiểu ra sự tự ti của mình thật vô lý, chúng đã cản trở cô trước bao nhiêu cơ hội.

Khi cô ấy cảm thấy an toàn hơn và tin tưởng tôi nhiều hơn, trong buổi trị liệu của chúng tôi, cô bắt đầu thử nghiệm cảm giác tự hào đối với những thành tựu của mình và dần dần tập thái độ tự khẳng định bản thân trong những ”đấu trường” xã hội khác. Cuối cùng, cô đã có dũng khí để đứng trước mặt ông chủ, dùng lý lẽ chính đáng lên tiếng đòi hỏi một sự thăng tiến.

Đây chính là cách tâm lý trị liệu vận hành. Những nhà tâm lý trị liệu khác có thể đưa ra những phương án trị liệu khác nhau cho trường hợp của thân chủđó, nhưng để thành công, hầu hết sẽ cần kết hợp một vài kỹ thuật giúp nhìn thấu tâm trí, cùng nhiều kiểu thực tập thay đổi hành vi, bên trong hoặc bên ngoài quá trình trị liệu.

Thấu hiểu bản thân cùng sự trải nghiệm những cách ứng xử mới lành mạnh hơn là chìa khóa cho việc thay đổi tâm lý và được thấy trong hầu hết các trường phái tâm lý trị liệu.

Nếu bạn đang trong quá trình trị liệu tâm lý, hãy hỏi nhà trị liệu về điều này.

Nếu bạn không đang trong trị liệu, nhưng bạn muốn và cần được trị liệu, hãy hỏi nhà trị liệu tương lai rằng anh/cô ta có quan điểm thế nào về hai khái niệm nền tảng này không.


Michael Bader DMH, là một nhà tâm lý thực hành độc lập tại Grass Valey, California, Mỹ.

Nguồn: Michael Bader: How does psychotherapy work?
Hoàng Thanh Vân dịch
Nguyễn Hải Linh hiệu đính

Monday, January 9, 2017

Vì sao ta mặc cảm tự ti* và làm thế nào để vượt qua nó


Bạn đã bao giờ cố gắng tự vượt qua cảm giác mặc cảm, tự ti của mình? Khám phá xem liệu cảm giác này và mong muốn kiểm soát mọi thứ xung quanh gắn kết với nhau như thế nào, từ đó, bạn sẽ hiểu rằng khi bạn từ bỏ mong muốn điều khiển mọi thứ xung quanh mình, cảm giác mặc cảm, tự ti cũng sẽ biến mất theo. 

Nhiều người trên hành trình hàn gắn bản thân cảm thấy cực kỳ khó thoát khỏi cảm giác mặc cảm, tự ti. Nhưng khi bạn hiểu ra mục đích tồn tại của cảm giác này, bạn có thể vượt qua được nó. 

Mặc cảm, tự ti là cảm giác bạn cảm thấy có gì đó bất ổn về bản thân mình. Cảm giác tội lỗi là khi bạn làm điều gì đó sai trái, còn mặc cảm, xấu hổ, tự ti là khi bạn cảm thấy có điều gì đó sai trái về chính bản chất của mình. Cảm giác tự ti đến từ suy nghĩ rằng: “Về cơ bản là tôi không hoàn hảo, tôi thiếu sót, tôi sai trái, tôi tồi tệ, tôi xấu xa, tôi không quan trọng, tôi không xứng đáng và nói chung là không đủ tốt.” 

Tại thời điểm nào đó trong cuộc đời mình, khi còn nhỏ, phần lớn chúng ta bị tiêm nhiễm cái niềm tin sai lầm này và chính nó là nguyên nhân của sự tự ti. Đấy là kết quả của việc không được nhìn nhận, thấu hiểu, quan tâm, yêu thương đúng mức. Chúng ta tự xây dựng một niềm tin rằng chúng ta không được yêu quý vì có cái gì sai trái, không ổn ở trong chính bản thân chúng ta. Một số đứa trẻ thì bị nói thẳng vào mặt rằng chúng chẳng ra sao cả – chúng là những đứa trẻ hư hỏng, ngu ngốc và không xứng đáng – những đứa khác tự kết luận rằng mình không ổn vì cách mà người ta đối xử với chúng. 

Khi chúng ta tự thiết lập được một niềm tin về sự kém cỏi của bản thân, chúng ta trở nên nghiện sự tự ti đó vì chúng có ích chúng ta ở hai phương diện:

1. Nó cho chúng ta một cảm giác kiểm soát được cảm xúc và hành vi của người khác 

Chừng nào chúng ta vẫn tin rằng nguyên nhân người ta từ chối mình là ở bản thân mình, thì chừng đó chúng ta sẽ vẫn tin rằng mình còn có thể làm được điều gì đó. Nó cho chúng ta một cảm giác chủ động, rằng họ từ chối chúng ta, không yêu thương chúng ta là bởi chính ta. Và vì chính ta nên ta có thể thay đổi được điều đó bằng cách làm mọi việc theo cách “đúng đắn”. Chúng ta cứ bám víu vào niềm tin rằng họ cư xử như vậy là do lỗi của mình vì chúng ta không muốn chấp nhận rằng họ có quyền cư xử hay cảm thấy theo cách họ muốn (chứ thực ra chả liên quan gì đến chúng ta cả), chúng ta không muốn chấp nhận sự bất lực của mình trước người khác. 

2. Nó che đậy những cảm xúc sâu kín mà ta không muốn đối diện, cho ta cảm giác ta có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. 

Mặc dù cảm giác mặc cảm, tự ti có thể tồi tệ, nhiều người vẫn cảm thấy nó dễ chịu hơn là những cảm xúc mà nó đã lấn át: cô đơn, buồn tủi, đau đớn, sầu thảm hay bất lực trước những người khác. Cũng như cơn giận dữ thật ra chỉ là vỏ bọc che giấu những cảm xúc khó chịu khác, sự mặc cảm, tự ti cũng vậy. Nó hoàn toàn khác với cảm giác cô đơn, buồn tủi hay bất lực trước người khác. 

Mặc cảm, tự ti là cảm giác bắt nguồn từ chính niềm tin của chúng ta, nhưng cô đơn, buồn tủi, đau thương hay sầu thảm hoặc bất lực thì là những cảm xúc tất yếu ai cũng phải trải qua (existential feelings) - những cảm xúc vốn là hệ quả tự nhiên của cuộc đời. Chúng ta cảm thấy buồn tủi và đau đớn khi chúng ta mất một ai đó chúng ta yêu quý. Chúng ta thấy cô đơn khi chúng ta muốn nói chuyện, chơi đùa cùng ai đó, nhưng chẳng có ai bên cạnh hay chẳng có ai đủ cởi mở để có thể nói chuyện, yêu thương, hay chơi đùa được. Nhiều người thà sống những cảm xúc tiêu cực họ tự tạo ra cho mình còn hơn là cảm nhận những cảm xúc đau đớn chân thật của cuộc đời. 

Nếu bạn cảm thấy khó có thể vượt qua được sự mặc cảm, tự ti của bản thân mình, điều đó có thể có nghĩa là bạn đang nghiện cảm giác kiểm soát mà niềm tin xuất phát từ sự măc cảm, tự ti mang lại: Sự kiểm soát đối với cảm xúc và cư xử của người khác và sự kiểm soát đối với cảm xúc sâu kín, chân thật của chính mình. Chừng nào bạn vẫn còn muốn kiểm soát, tâm trí bạn sẽ không thoát khỏi niềm tin sai lệch này. 

Bạn có thể tự vượt qua sự mặc cảm, xấu hổ, tự ti của bản thân mình bằng cách: 

1. Bạn sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng cảm xúc của người khác thì chẳng liên quan gì đến bạn cả. 

Khi bạn chấp nhận rằng người khác có quyền tự do trong cảm xúc của họ, cởi mở hoặc không, yêu thương hay chán ghét – rằng bạn không phải là nguyên nhân cho việc đó, và bạn không còn coi rằng tất cả cảm xúc, hay hành vi của họ đều là hướng đến mình – thì bạn sẽ không còn có nhu cầu phải kiểm soát chúng nữa. Khi bạn từ bỏ nhu cầu kiểm soát đối với người khác và thay vào đó cảm thông, từ ái đối với bản thân và người khác, bạn sẽ buông bỏ được niềm tin rằng mình là nguyên nhân cho mọi sự tồi tệ. 

2. Bạn sẵn sàng chấp nhận những cảm xúc sâu kín, chân thật bên trong bản thân mình, thay vì che dấu nó bằng mặc cảm, xấu hổ, tự ti hay tức giận. Khi bạn học được cách nuôi dưỡng bản thân bằng việc chiêm nghiệm thực tại và bằng sự quan tâm và nhân ái đối với chính những cảm xúc tự nhiên của mình, bạn sẽ không còn cảm thấy cần sự bảo vệ khỏi chúng bằng sự xấu hổ hay đổ lỗi nữa. 

Nhu cầu kiểm soát và mặc cảm tự ti gắn bó với nhau rất lắt léo, phức tạp. Khi bạn từ bỏ nhu cầu kiểm soát, thay vào đó bạn học cách cảm thông và từ ái với bản thân cũng như với người khác, bạn sẽ thấy mặc cảm tự ti của mình biến mất. 

Margaret Paul Ph.D, Why We Shame and How to Conquer It
Ngô Bá Anh dịch

(*) Shame, trong tiếng anh, từ này mang nhiều ý nghĩa: xấu hổ, mặc cảm, tự ti, bẽ bàng, tủi hổ, tiếc nuối... Trong phạm phi bài viết và để đơn giản hóa, người dịch xin phép dịch ngắn gọn là mặc cảm, tự ti.

Monday, October 17, 2016

Khái niệm Ẩn nữ (Anima) của Carl Jung


Ẩn nữ (Anima). Phương diện nữ tính ẩn tàng trong tâm thức nam giới. (Xem thêm các mục từ animus, Eros, Logos, và soul-image.) 

Nhân cách nữ tính vừa là một mặc cảm cá nhân (personal complex), vừa là một hình ảnh bắt nguồn từ mẫu tượng (archetypal image) trong tâm thức nam giới. Nó là cấu phần vô thức một lần nữa thể nhập vào mọi bé trai, và cũng chính nó phải đứng ra chịu trách nhiệm cho cơ chế phóng chiếu. Ban đầu, ẩn nữ được đồng hóa với người mẹ ruột, sau này nam giới không chỉ trải nghiệm nó ở phụ nữ nói chung, mà còn cảm nghiệm nó như một sự ảnh hưởng bao trùm toàn thể đời sống.

Ẩn nữ là mẫu tượng (archetype) của chính sự sống.

Trong tâm thức nam giới luôn có một hình tượng (imago) không chỉ của người mẹ mà còn của con gái, chị gái, người tình trong mộng, nữ thiên thần, bà lão Baubo nơi âm giới. Người mẹ hay người tình nào cũng đều bị buộc phải trở thành người đảm nhiệm và hiện thân cho hình ảnh trùm khắp và vĩnh cửu này, vốn không khác gì cái thực tại sâu xa nhất trong tâm hồn nam giới. Cái hình tượng phụ nữ ẩn chứa đầy hiểm họa này thuộc về anh ta chứ không phải ai khác; nàng đại diện cho lòng chung thủy mà vì cuộc sống, đôi khi anh ta phải từ bỏ; nàng là sự bù đắp tối cần thiết cho tất cả sự mạo hiểm, chiến đấu, hy sinh mà cuối cùng đều kết thúc trong nỗi thất vọng khôn nguôi; nàng là niềm an ủi cho mọi cay đắng của cuộc đời. Và đồng thời, nàng là kẻ huyễn hoặc, quyến rũ vô cùng, lôi kéo anh ta đi vào vòng ảo mộng - không chỉ đi vào những phương diện hữu lý và hữu hiệu của đời sống, mà còn cả những cảnh nghịch lý và lưỡng nan đầy đáng sợ, nơi mà thiện ác, thành bại, hy vọng và tuyệt vọng, từng cặp đối nghịch lẫn nhau. Bởi nàng là mối nguy hiểm lớn nhất của anh ta, nàng đòi hỏi ở anh ta sự nỗ lực lớn lao nhất, và nếu anh ta có phẩm chất anh hùng trong mình, thì nàng sẽ công nhận nó. 

Trong các giấc mơ, qua hình tượng người nữ, phương diện nữ tính ẩn tàng trong nam giới được nhân cách hoá thành: từ cô gái xinh đẹp đầy quyến rũ tới bậc đạo sư tâm linh. Nó có mối quan hệ với cội nguồn dục tính, do đó, sự trưởng thành của nhân cách nữ tính nơi nam giới được phản ánh trong mối quan hệ của anh ta với nữ giới. Trong tâm thức nam nữ, ẩn nữ đóng vai trò như tâm hồn của anh ta, ảnh hưởng tới toàn bộ tư tưởng, thái độ và tình cảm.

Ẩn nữ, hay nhân cách nữ tính ẩn tàng ở đây không phải là tâm hồn (soul) theo ý nghĩa giáo điều, không phải là tâm hồn lý tính (anima rationalis), vốn là một khái niệm triết học, mà là một mẫu tượng tự hình thành. Nó được tổng hòa từ tất cả những biểu lộ của vô thức, của trí khôn nguyên thủy, của sự phát triển của ngôn ngữ và tôn giáo theo dòng lịch sử,… Nó luôn là yếu tố tiên nghiệm (a priori) trong tâm trạng, thái độ phản ứng, xung năng và bất cứ thứ gì ngẫu nhiên bộc phát trong đời sống tâm lý nam giới. 

Ẩn nữ phóng đại, bóp méo và huyền thoại hóa, gây căng thẳng cho tất cả các mối quan hệ cảm xúc của nam giới với công việc cũng như với tha nhân ở cả hai giới. Những huyễn tưởng và mắc mớ từ đó nảy sinh đều do một tay nó tạo nên cả. Khi nhân cách nữ tính này được kết tập một cách mạnh mẽ, nó sẽ làm cho tính cách người đàn ông trở nên mềm yếu, dễ tự ái, dễ cáu kỉnh, thất thường, ghen tuông, hão huyền, và thiếu khả năng thích nghi.

Với vai trò là nhân cách ẩn tàng, ẩn nữ (anima) bổ sung cho cái mặt giả (persona) và giữ mối quan hệ cân bằng với nó. 

Cái mặt giả, hình ảnh lý tưởng mà nam giới nghĩ là mình nên có, được bù trừ bằng sự yếu đuối của nữ giới trong nội tâm. Và khi ở bên ngoài người ta tỏ ra là một đấng đại trượng phu đầy mạnh mẽ bao nhiêu, thì sâu thẳm bên trong tâm hồn, anh ta là một nàng tiểu thư yểu điệu bấy nhiêu, bởi nhân cách nữ tính luôn đối nghịch với cái mặt giả. Nhưng bởi vì thế giới nội tâm tối tăm vô hình... và bởi vì khả năng nhận ra được sự yếu đuối của mình càng ít bao nhiêu, thì anh ta lại càng đồng hóa với cái mặt giả nhiều bấy nhiêu. Còn phần đối nghịch với nó, tức cái nhân cách nữ tính chìm vào trong bóng tối (vô thức) và đồng thời, được phóng chiếu (sang người vợ), vậy nên các vị anh hùng mới hay bị các bà vợ thao túng, điều khiển. 

Do đó đặc điểm của ẩn nữ có thể được suy ra từ đặc điểm của cái mặt giả; tất cả những nét tính cách thiếu vắng nơi thái độ biểu lộ ra bên ngoài sẽ được tìm thấy nơi nội tâm.

Tay bạo chúa bị hành hạ bởi những giấc mơ tồi tệ, những điềm gở, và những nỗi sợ hãi thầm kín là một dạng người rất điển hình. Tuy bề ngoài hắn tỏ ra tàn nhẫn, cay nghiệt, khó gần, nhưng thật ra bên trong, hắn ta thường giật mình sợ hãi trước mỗi góc khuất, dễ rơi vào đủ mọi loại tâm trạng, như thể hắn ta là người yếu ớt và nhạy cảm nhất trên đời. Do đó, nhân cách nữ tính của hắn ta ẩn chứa tất cả những tính cách của con người lầm lỗi mà cái mặt giả của hắn ta thiếu vắng. Nếu cái mặt giả bên ngoài tỏ ra lý tính, thì chắc chắn sẽ cảm tính.

Tương tự như vậy, ở phương diện nào nam giới đồng hóa với cái mặt giả, thì ở nơi đó trên thực tế, anh ta đã bị ẩn nữ điều khiển, thao túng, với những triệu chứng tương ứng.

Sự đồng hóa với cái mặt giả tất yếu dẫn tới sự đồng hóa với ẩn nữ, bởi vì khi cái tôi không tách ra khỏi cái mặt giả, thì nó không thể nào có một mối quan hệ ý thức với toàn bộ tiến trình vô thức (tức là nhận ra những xung năng vô thức đang chi phối mình). Hệ quả là, cái tôi biến thành chính những tiến trình này, nó đồng hoá với chúng. Bất cứ ai tự đồng hoá mình với “vai diễn” ngoài đời chắc chắn sẽ rơi vào những tiến trình tâm lý (mà anh ta không ý thức được - ND); hoặc anh ta sẽ vừa bất mãn với vai diễn ngoài đời bởi sự đòi hỏi tuyệt đối của nội tâm, hoặc cũng có thể anh ta sẽ biến nó thành một sự ngớ ngẩn qua tiến trình chuyển đổi thái cực (enantiodromia). Có thể anh ta sẽ không còn đi theo con đường của riêng mình nữa, cuộc đời anh đi vào hết ngõ cụt này đến ngõ cụt khác. Hơn nữa, ẩn nữ chắc chắn sẽ phóng chiếu lên một đối tượng ngoài đời, người mà anh ta có mối quan hệ hoàn toàn phụ thuộc.

Jung vạch ra bốn giai đoạn phát triển chính của ẩn nữ, tương tự các cấp bậc trong giáo phái thờ thần Eros cuối thời cổ đại. Ông nhân cách hoá các giai đoạn này thành Eva, Helen, đức mẹ Mary và Sophia. 

Ở giai đoạn đầu tiên, với tư cách là Eva, ẩn nữ chưa được tách biệt khỏi người mẹ ruột. Nam giới không thể trở thành con người lành mạnh mà không có mối quan hệ gắn bó khăng khít với một người phụ nữ. Trong giai đoạn thứ hai, được nhân cách hoá thành nhân vật lịch sử Helen thành Troy, ẩn nữ trở thành biểu tượng tình dục lý tưởng của đại chúng (Tất cả những thứ bỏ đi đều không phải là Helen. - Marlowe). Giai đoạn ba, đức mẹ Mary thị hiện trong những cảm xúc tôn giáo và xuất hiện khả năng cho những mối quan hệ lâu dài. Giai đoạn bốn, với tư cách Sophia (được gọi là Minh triết trong Kinh thánh), nhân cách nữ tính làm nhiệm vụ người dẫn dắt đi vào thế giới nội tâm, đưa những nội dung từ tầng vô thức lên tầng ý thức. Nàng hỗ trợ nam giới trên hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống và là nàng thơ tạo cảm hứng sáng tạo cho nghệ sỹ.

Lý tưởng mà nói, thì ẩn nữ tiến triển tự nhiên thông qua những giai đoạn kể trên khi người ta lớn tuổi dần lên. Trong thực tế, với tư cách là nguồn sinh lực phát xuất từ mẫu tượng (archetypal life force), nhân cách nữ tính biểu lộ trong bất cứ hình hài nào cần phải có để bù trừ cho thái độ chiếm ưu thế trên bề mặt ý thức. 

Chừng nào ẩn nữ còn nằm trong vô thức, thì chừng đó mọi thứ mà nàng đại diện đều bị phóng chiếu ra bên ngoài. Thông thường nhất là, bởi sự gắn bó khăng khít ban đầu giữa ẩn nữ và hình tượng người mẹ che chở, sự phóng chiếu sẽ rơi vào người bạn đời, với những hệ quả mà ta có thể dự đoán được.

Ý niệm về hôn nhân của đàn ông quá định kiến đến mức mà người vợ buộc phải đảm nhiệm vai trò huyền nhiệm của người mẹ. Dưới vỏ bọc của cuộc hôn nhân lý tưởng, anh ta đang thực sự tìm kiếm sự che chở của người mẹ, và do đó anh ta rơi vào vòng tay của bản năng chiếm hữu nơi người vợ. Nỗi sợ sức mạnh không thể nào đo đếm của vô thức tăm tối nơi anh ta trao cho người vợ một thứ uy quyền không chính đáng với mình, và khuôn đúc thành một mối quan hệ gần gũi đầy nguy hiểm mà trong đó, cuộc hôn nhân luôn ở trên bờ vực của sự bùng nổ xung đột bắt nguồn từ sự căng thẳng âm ỉ bên trong.

Dù nam giới có trưởng thành đến đâu, anh ta vẫn luôn có khả năng nhìn thấy những phương diện của nhân cách nữ tính trong mình, tâm hồn anh ta, ở một phụ nữ ngoài đời. Điều này cũng đúng với nhân cách nam tính trong tâm thức nữ giới (animus). Những phương diện này có thể được hội nhập vào trong ý thức và ý nghĩa của chúng có thể được chủ thể thấu hiểu, nhưng bản chất cốt lõi của chúng thì không thể nào vơi cạn. 

Dù những ảnh hưởng của nhân cách nữ tính và nam tính có thể được hội nhập vào ý thức, nhưng chính bản thân chúng (tức anima và animus) là những yếu tố siêu việt ý thức cũng như vượt ra ngoài tầm với của tri giác và ý chí con người. Do đó, chúng vẫn luôn là những thực thể tự chủ cho dù những nội dung của chúng có được hội nhập vào ý thức, và vì lý do này, chúng luôn cần được ghi nhớ.

Đối với nam giới, ưu tiên trong nửa đầu cuộc đời là giải thoát mình khỏi sự lôi cuốn của ẩn nữ nơi người mẹ. Trong nửa sau cuộc đời, việc thiếu vắng mối quan hệ ý thức với nhân cách nữ tính bên luôn đi kèm với những triệu chứng đặc trưng của căn bệnh “đánh mất tâm hồn.”

Những người trẻ tuổi có thể chịu đựng được sự thiếu vắng toàn diện nhân cách nữ tính mà không hề gì. Ở giai đoạn này, đối với nam giới điều quan trọng là trở thành một người đàn ông đích thực… Tuy nhiên, qua tuổi trung niên, sự thiếu vắng lâu dài của nhân cách nữ tính trong đời sống tinh thần đồng nghĩa với việc người ta sẽ mất đi sức sống, sự linh hoạt, và lòng nhân ái. Kết quả là, theo lệ thường, người ta sẽ nhanh chóng đi đến chỗ cứng nhắc, cáu bẳn, rập khuôn, cực đoan, ngang ngạnh, tiểu tiết, hay cũng có thể là cam chịu, chán chường, ủy mị, vô trách nhiệm, và cuối cùng là tính hay dằn dỗi kiểu trẻ con với khuynh hướng nghiện bia rượu.



Đối với nam giới, có một cách để làm quen với bản chất của ẩn nữ trong anh ta. Đó là thông qua phương pháp chủ động tưởng tượng. Tức là, anh ta nhân cách hóa nàng thành một nhân cách tự chủ, rồi hãy thăm hỏi và lắng nghe hồi đáp từ nàng. Ý tôi là bạn hãy coi đây là một kỹ thuật thật sự… Nghệ thuật này chỉ đòi hỏi bạn để cho người bạn vô hình này được lên tiếng, nhanh chóng đưa ra cơ chế biểu đạt theo ý nàng, mà không bị mất kiểm soát bởi sự khó chịu mà đương nhiên người ta sẽ cảm thấy khi ở trong một trò chơi rõ ràng là kỳ khôi với chính bản thân mình, hay bởi sự nghi ngờ về tính xác thực của giọng nói của người đối thoại.

Jung nhận định rằng nếu cuộc trùng phùng với bóng âm (shadow) là “công trình đầu tay” (apprentice-piece: công trình của kẻ tập sự) trong quá trình trưởng thành của nam giới, thì tiến tới hữu hảo với ẩn nữ là “công trình tuyệt tác” (master-piece: công trình của bậc thầy). 

Mục tiêu là sự chuyển hóa của ẩn nữ, từ một kẻ đối nghịch khó chịu thành người trung gian, liên hệ giữa ý thức và vô thức. Jung gọi đó là “sự chinh phục ẩn nữ với tư cách một mặc cảm tự chủ.” Một khi đã đạt được mục tiêu này, người ta có thể tách cái tôi khỏi đủ mọi lại rây mơ rẫy má với tập thể và vô thức tập thể. Trải qua quá trình này, ẩn nữ không còn năng lực ma quái của một mặc cảm tự chủ; nàng không còn “thi triển” được năng lực kiểm soát, bởi nàng đã bị bất hoạt hóa (depotentiated). Nàng không còn là người canh gác kho báu bí ẩn; không còn là con ma Kundry, sứ giả của Chén thánh, nửa thần thánh nửa súc sinh; không còn là cái tâm hồn vốn được là “người tình”, mà chỉ còn là một chức năng tâm lý của bản chất trực giác, cũng giống những gì người nguyên thủy ngụ ý khi họ nói, “Anh ta đi vào trong rừng để nói chuyện với thần linh” hay “Con rắn nói với tôi” hay, trong ngôn ngữ huyền thoại của trẻ thơ, “con chim non nói với con.”

Nguồn: David Sharp - Jung's Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Friday, October 30, 2015

Quan niệm về "giấc mơ" của Carl Jung


Giấc mơ (dreams). Biểu hiện độc lập, ngẫu nhiên của vô thức; mảnh vụn của hoạt động tâm lý không chủ tâm, vốn chỉ đủ ý thức để có thể tái hiện trong trạng thái thức.

Các giấc mơ không phải là những câu chuyện được thêu dệt một cách chủ tâm, chủ ý; chứng là những hiện tượng tự nhiên, không có gì khác ngoài những gì chúng biểu hiện ra. Chúng không lừa mị hay dối trá, chúng không bóp méo hay che giấu… Chúng luôn tìm cách bộc lộ điều gì đó mà cái tôi không biết và cũng không hiểu. 

Dưới hình thái biểu tượng, giấc mơ ghi lại hiện trạng tâm thức từ góc nhìn của vô thức.

Bởi ý nghĩa của hầu hết giấc mơ không đi theo những khuynh hướng của tâm trí ý thức mà lại bộc lộ ra nhiều đường hướng khác biệt của riêng chúng, chúng ta phải giả định rằng vô thức, cái nôi của những giấc mơ, có một chức năng độc lập. Đây là cái mà tôi gọi là sự tự chủ của vô thức. Các giấc mơ không chỉ bất tuân ý chí của ta mà còn đứng ở thế đối lập lại với những chủ định ý thức của ta. 

Jung thừa nhận rằng trong một số trường hợp các giấc mơ có chức năng ước muốn đạt được và bảo toàn giấc ngủ (theo quan điểm của Freud) và nỗ lực mang tính trẻ con nhằm có được quyền lực (theo quan điểm của Adler), nhưng ông nhấn mạnh vào nội dung biểu tượng và vài trò bù trừ của nó trong cơ chế tự điều chỉnh của tâm thức: chúng tỏ lộ những phương diện mà thông thường người ta không nhận thức được, chúng bộc lộ hững động cơ vô thức vận hành trong các mối quan hệ và đưa ra những quan điểm mới mẻ trong những tình huống xung đột.

Về điểm này, có ba khả năng có thể xảy ra. Nếu thái độ ý thức đối với các tình trạng đời sống phần lớn là cực đoan một chiều, thì giấc mơ sẽ ở chiều hướng ngược lại. Nếu ý thức có lập trường khá là gần với “trung đạo”, thì giấc mơ sẽ thoái mái theo những đường hướng khác biệt. Nếu thái độ ý thức là đúng đắn (thỏa đáng) thì giấc mớ sẽ trùng khớp với và nhấn mạnh vào khuynh hướng này, dù nó không còn sự tự chủ của riêng mình.

Dưới cái nhìn của Jung, mỗi giấc mơ là một vở kịch nơi nội tâm.

Về cơ bản thì toàn thể công trình giấc mơ là chủ quan, và giấc mơ là rạp hát mà trong đó người nằm mơ chính là sân khấu, người đóng vai, người nhắc vở, người sản xuất, người sáng tác, người xem và người phê bình. 

Khái niệm này tạo cơ hội cho sự ra đời của phương pháp giải mộng trên bình diện chủ quan, nơi mà mọi hình ảnh trong mơ đều được coi như là những cuộc trình diễn thông qua biểu tượng của các thành tố trong nhân cách người nằm mơ. Việc giải mộng trên bình diện khác quan thì lại chắp nối toàn bộ những hình ảnh trong mơ với những con người và tình huống nơi thế giới bên ngoài.

Nhiều giấc mơ có cấu trúc như một vở kịch kinh điển. Chúng có phần mở đầu (địa điểm, thời gian và các nhân vật), cho biết tình huống ban đầu của người nằm mơ. Trong giai đoạn hai, có một sự phát triển trong kịch bản (bắt đầu có diễn biến). Giai đoạn ba dẫn đến cực điểm hay cao trào (sự kiện quyết định xảy ra). Giai đoạn cuối cùng là thoái trào, kết quả hay giải pháp (nếu có) của diễn biến trong mơ.

Nguồn: David Sharp, Jung Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Tuesday, September 29, 2015

Khái niệm "chủ động tưởng tượng" của Carl Jung

Hai Frida - Frida Kahlo
Tác giả tự vẽ chân dung mình trước và sau khi bị chồng phản bội.



Chủ động tưởng tượng (active imagination). Một phương pháp chuyển hóa những nội dung vô thức (giấc mơ, huyễn tưởng,...) thông qua một vài hình thái bộc lộ, phơi bầy bản thân. (Xem thêm mục từ Chức năng siêu việt.)

Mục tiêu của phương pháp chủ động tưởng tượng là tạo cơ hội cho những phương diện khác nhau của nhân cách - vốn thường không được lắng nghe - được cất lên tiếng nói, qua đó thiết lập một đường dây truyền thông giữa ý thức và vô thức. Ngay cả khi sản phẩm cuối cùng - một bức vẽ, một bức tranh, một câu chuyện, một bức điêu khắc, một vũ điệu, một bản nhạc… - không được diễn giải ý nghĩa, thì vẫn có một cái gì đó - đóng góp vào quá trình chuyển hóa tầng ý thức - sẽ vẫn tiếp diễn giữa người sáng tạo và cái được tạo ra. 

Giai đoạn đầu tiên của phương pháp chủ động tưởng tượng cũng giống như nằm mơ khi đang mở mắt vậy (mơ tỉnh). Nó có thể diễn ra theo một cách tình cờ, tự nhiên hoặc người ta có thể chủ động tạo ra nó. 

Ở trường hợp tự mình chủ động, bạn lựa chọn lấy một giấc mơ, hay một vài ảnh tượng huyễn tưởng khác, và tập trung tư tưởng vào nó bằng cách giữ lấy hình ảnh ấy trong tâm và nhìn vào nó. Bạn cũng có thể tận dụng một tâm trạng không vui nào đó làm khởi điểm, và sau đó cố gắng để ý xem nó tạo ra loại ảnh tượng huyễn tưởng nào, hay ảnh tượng nào phản ánh tâm trạng buồn chán. Sau đó bạn có thể “ấn định” hình ảnh đó vào trong tâm bằng sức tập trung tư tưởng. Thường thì nó sẽ biến đổi, bởi việc chỉ riêng quán chiếu nó thôi cũng sẽ khơi dậy sức sống trong nó. Mọi sự biến chuyển luôn cần được cẩn trọng ghi nhận, bởi chúng phản ánh những tiến trình tâm lý trong tầng ngầm vô thức (unconscious background), biểu hiện ra dưới dạng ảnh tượng xuất phát từ chất liệu ký ức của tầng ý thức. Bằng cách này, ý thức và vô thức được nối kết, giống như thác nước nối liền đỉnh thác trên cao và chân thác dưới thấp.

Giai đoạn thứ hai, thay vì chỉ đơn thuần quan sát những ảnh tượng này, ta sẽ chủ động vào giao lưu với chúng, đưa ra đánh giá chân thực nhất về việc chúng có ý nghĩa như thế nào với ta, rồi đi đến cam kết bắt buộc về mặt trí năng và đạo đức để ứng xử theo những hiểu biết đã nhận ra. Đây là một sự chuyển dịch từ thái độ nhận thức, thẩm mỹ sang thái độ xem xét, phán đoán.

Dù ở một mức độ nào đó, người ta nhìn vào từ bên ngoài, nhưng công bằng mà nói, thì anh ta cũng là một nhân vật đang khóc cười trong vở kịch của tâm thức. Nhận thức này là điều cực kỳ cần thiết và đánh dấu một bước tiến quan trọng. Chừng nào người ta còn đơn thuần nhìn vào những ảnh tượng ấy thì chừng đó người ta còn giống như chàng hiệp sĩ Parsifal ngu ngơ, người đã quên không đưa ra câu hỏi hệ trọng nhất bởi anh ta không ý thức được chính sự tham gia của mình vào câu chuyện. (Ở đây Jung ám chỉ tới huyền thoại Chén thánh. Câu hỏi mà Parsifal đã bỏ lỡ là: Chén thánh phụng sự cho ai?) Nhưng nếu bạn nhận thức được sự tham dự của mình, thì bạn phải bước vào câu chuyện với chính con người thật của mình, giống như thể bạn là một trong những nhân vật huyễn tưởng đó, hay nói đúng hơn, như thể vở kịch đang diễn ra trước mắt bạn là thật.

Thái độ xem xét, đánh giá ở đây hàm ý sự chủ động can dự vào trong những tiến trình huyễn tưởng, vốn bổ khuyết cho trạng thái ý thức của cá nhân và đặc biệt là của tập thể. Mục tiêu hiển nhiên của sự can dự này là để tích hợp những gì vô thức tỏ lộ, chuyển hoá những nội dung bổ khuyết, và qua đó tạo ra ý nghĩa trọn vẹn, điều duy nhất giúp cho cuộc đời trở nên đáng sống, cho không chỉ vài người, nếu có thể.

Nguồn: David Sharp, Jung Lexicon
Đỗ Hoàng Tùng dịch

Tuesday, August 25, 2015

Khái niệm "mặc cảm" của Carl Jung



Mặc cảm* (Complex). Một tổ hợp những tư tưởng hay hình ảnh nhuốm màu cảm xúc. (Xem thêm mục từ Thí nghiệm liên tưởng từ vựng.)

Mặc cảm là hình ảnh của một tình huống tâm lý mang nặng cảm xúc và hơn nữa, nó hoàn toàn không tương hợp với thái độ quen thuộc của dòng ý thức.

Vương đạo (via regia) để đi vào vô thức, không phải là giấc mơ như Freud vẫn tưởng, mà lại là mặc cảm. Chính mặc cảm là vị kiến trúc sư tạo nên những giấc mơ và những chứng bệnh tâm lý. Con đường đó cũng chẳng hề vương giả, bởi con đường mà mặc cảm tỏ lộ ra cho ta là con đường đất gồ ghề, cực kỳ quanh co khúc khuỷu, chẳng mấy ai đi.

Nói một cách chính thức, mặc cảm là những tư tưởng chất chứa nhiều cảm xúc được tích tập qua bao năm tháng xung quanh một mẫu tượng (archetype), chẳng hạn là “mẹ” và “cha.” Khi mặc cảm đã được hình thành, thì cảm xúc sẽ luôn song hành cùng chúng. Lúc nào chúng cũng tương đối tự chủ. Mặc cảm can dự vào ý định của lý trí và quấy nhiễu hoạt động của dòng ý thức. Chúng gây ra trình trạng rối loạn ký ức và cản trở dòng chảy của sự liên tưởng. Chúng xuất hiện và biến mất theo quy luật của riêng chúng. Trong nhất thời, chúng có thể chiếm hữu dòng ý thức, hay một cách vô thức tác động đến lời nói và việc làm của ta. Nói tóm lại, mặc cảm hành xử như một thực thể độc lập.

Trên thực tế, mặc cảm là những “mảnh hồn” (splinter psyches). Nguyên nhân nguồn cội của chúng thường là những cái mà người ta gọi là chấn động tâm lý, tình cảm hay như những điều đại loại như vậy, làm cho một mảnh hồn nhỏ bị tách rời ra khỏi tâm thức toàn thể.

Hiển nhiên là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất hình thành nên mặc cảm làm xung đột đạo đức, vốn bắt nguồn từ việc rõ ràng người ta không thể nào khẳng định được toàn vẹn bản chất con người mình.

Ngày nay ai cũng biết rằng mọi người đều “sở hữu những mặc cảm.” Nhưng điều được ít người biết đến mà lại quan trọng hơn nhiều về mặt lý thuyết, là những mặc cảm cũng "sở hữu" chúng ta.

Jung nhấn mạnh rằng những mặc cảm tự bản chất không có gì là tiêu cực cả, chỉ có hệ quả mà chúng để lại là tiêu cực mà thôi. Cũng tương tự như việc hạt nhân và phân tử là những cấu phần vô hình tạo nên sự vật, những mặc cảm là những tổ hợp tạo dựng lên ngôi nhà tâm thức và là cội nguồn của tất cả các loại cảm xúc của con người.

Mặc cảm là những tiết điểm hay tiêu điểm của đời sống tâm lý mà ta sẽ không muốn sống thiếu chúng; quả thực, ta không nên sống mà thiếu chúng, bởi nếu không hoạt động tâm lý sẽ đi đến chỗ tịch tịnh.

Hiển nhiên là, những mặc cảm là kết quả của một loại tự ti theo ý nghĩa khái quát nhất… nhưng khi bạn có những mặc cảm thì điều đó không nhất thiết cho thấy bạn tự ti. Điều đó chỉ có nghĩa rằng một cái gì đó bất ổn, chưa được chuyển hóa, đối nghịch đang tồn tại, có thể giống như một sự trở ngại, nhưng cũng như một sự động viên, khuyến khích ta cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể, biết đâu đấy, đạt được bước tiến, hay thành tựu mới.

Ở một mức độ nào đó, cực đoan, biên kiến là điều không thể tránh khỏi, và cũng cùng với mức độ ấy, mặc cảm là cũng là điều không thể tránh khỏi.

Hệ quả tiêu cực của mặc cảm mà người ta thường hay trải qua là một sự lệch lạc, méo mó trong một hay vài chức năng tâm lý (cảm tính, lý tính, trực giác và tri giác). Chẳng hạn, thay vì đưa ra đánh giá hợp tình hợp lý và có thái độ ứng xử sao cho phù hợp, thì người ta phản ứng theo sự sai khiến của mặc cảm. Chừng nào người ta còn chưa nhận diện/ý thức được những mặc cảm của mình, thì chừng đó người ta còn có thể bị chúng chi phối.

Việc có những mặc cảm không đồng nghĩa với việc bạn bị nhiễu tâm… và việc chúng gây ra đau khổ không chứng tỏ được rằng chúng là rối loạn bệnh lý. Đau khổ không phải là bệnh tật; nó chỉ là thái cực đối lập với hạnh phúc. Một mặc cảm chỉ trở thành bệnh lý khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta không có nó.

Việc đồng hóa với một mặc cảm, đặc biệt là ẩn nam/ẩn nữ (anima/animus) và bóng âm (shadow), là nguyên nhân thường thấy của chứng nhiễu tâm. Mục tiêu của phân tích tâm lý lúc này không phải là trừ bỏ mặc cảm đó đi - giả sử rằng việc ấy có thể làm được - mà là giảm thiểu đến mức thấp nhất những hệ quả tiêu cực của nó thông qua việc nhận ra nó đóng vai trò gì trong cung cách và thái độ ứng xử của ta.

Người ta chỉ có thể thực sự thoát ra khỏi một mặc cảm khi người ta cho phép nó được giải tỏa ra một cách trọn vẹn nhất. Nói cách khác, nếu ta muốn trưởng thành hơn, ta phải quay trở về với chính mình và nốc cạn chính thứ cặn bã mà, bởi mặc cảm chi phối, ta đã tránh xa.

Nguồn: Daviđ Sharp, Jung's Lexicon, Complex
Đỗ Hoàng Tùng dịch


(*) Chữ "complex" bắt nguồn từ ngữ căn com- mang nghĩa cùng với, và ngữ căn plex mang nghĩa tết, bện kết. Vì thế, nghĩa đen của chữ này có nghĩa là xoắn kết lại với nhau. Còn nghĩa bóng là "không dễ gì phân tích." Như vậy, chữ này đồng nghĩa với chữ phức 複, vốn mang nghĩa rườm rà, phồn tạp, chồng chất. Từ đó, ta có thể dịch complex thành "phức cảm", tức một cảm xúc rắc rối, khó phân định rõ ràng. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh tâm lý học Carl Jung, ta còn có thể dịch complex thành "mặc cảm", tức một cảm xúc âm thầm, lặng lẽ (mặc 默) ngấm ngầm chi phối ta.